Khi tác phẩm tỷ lệ nghịch với nghiệm sinh
Tôi thường có sở thích quan sát mối quan hệ giữa nghệ sĩ và tri thức của họ. Nó phải là cách thức tri giác, hay có thể diễn đạt như một cách tri nhận hồi quang phản chiếu sự vật/sự việc thành tác phẩm tương thích với tình cảm cá biệt đặc thù. Nó khác với các bày biện triết lý, bày biện thẩm mỹ; nó phải là sự dịch chuyển quang phổ của rất nhiều nghiệm sinh, của chất xám diệp lục với khát khao khôn cưỡng để biểu lộ cái đẹp. Những nghiên cứu cá nhân viễn kiến khiến cho người sáng tạo trông như một nghệ sĩ-trí thức. Nhưng lại có rất nhiều nghệ sĩ chỉ chọn thái độ ngây thơ trước thực tại để tác phẩm trông như là của một “kẻ khác”, “người mới”, “nếu tôi không biết gì hết, thì đã sao?”, thì lúc đó cuộc chơi bắt đầu.
Có không sự nhu thuận theo những lề luật hoặc Tác phẩm không luận đề?
Tôi gặp lại Trung Nghĩa ở Đà Nẵng khi mà nhà của anh chất đầy tranh khói lửa diêm sinh. Các loài chim chóc, thú rừng hoang dã đã lên khối trên các toan vẽ và hầu hết các loài này Nghĩa chưa được tận mắt thấy chúng một lần, hay chính xác hơn đề tài của Nghĩa là động vật hoang dã nhưng anh ta chưa bao giờ thực sự đi rừng, chưa bao giờ học hành về con thú. Bạn bè họa sĩ tôi quen biết vẽ đề tài hoang dã bằng cả chất liệu màu nước, acrylic, sơn dầu... thường sẽ vào rừng để được chụp ảnh, ký họa hoặc quay phim để làm tư liệu vẽ; có người vẽ identify, có người chỉ lấy thảm thực bì làm chất liệu...
Rồi tôi thử đặt mình vào vị trí một người sáng tạo ngây thơ và phát hiện ra một thứ hoạt chất khoái cảm mà tôi tạm gọi là “hộp rỗng”. Nó khiến tôi thấy việc đề cao cảm giác, bỏ qua các suy lý và sự đòi hỏi của thực chứng sẽ khiến tâm trí trôi dạt khắp cái vùng miền của não bộ. Nó tránh được các áp lực đồng cấp của tác phẩm và thực tiễn. Thi thoảng nó sẽ bị đánh giá sai đúng, sẽ có thể bị cho là không hiểu rõ thực tướng của vạn vật, là không chân xác hoăc chưa tường minh như cái cách mà hình dạng của các con thú trong tranh của Nghĩa trông có vẻ dữ dằn, như thể đang thống lĩnh hết cả không gian. Một loạt các khả thể với các bảng giá trị riêng của chính nó bị mang ra tắm gội trong các lý thuyết rất riêng tư, bất luận những ai cho rằng nó đẹp một cách không có thực. Ấy vậy mà tranh của Nghĩa treo khắp nơi trong những căn biệt thự, resort, khách sạn... Thế thì phải quay ngược lại từ đầu với một câu hỏi rất cơ bản, nghệ thuật là nghệ thuật, nó là của tôi và có cần cầu viện đến sự đồng tình?. Nhưng thú thật, nếu tác phẩm chỉ nhất định đứng độc lập với nghiệm sinh, tôi cũng không hoàn toàn chắc chắn những lời của tôi sẽ bao biện cho nó được bao lâu.
Rồi Nghĩa báo với tôi, anh vào rừng với mấy ông cụ lấy mây tre về làm tác phẩm sắp đặt cô ạ. Tôi ghé “phủ bê tông” của Nghĩa nhìn đồ đạc ngổn ngang, các sắp đặt lần lượt treo lên tường để mỗi ngày tỉa một chút, gắn một. chút, lôi ra rồi lại xếp vào một chút. Đương nhiên tôi không buông tha các hành vi sáng tạo bỏ rơi vấn đề môi trường. “Rừng còn bao nhiêu đâu mà kéo nhau vào đó để tha về làm của riêng, có biết chừng này mây chặt xuống là mất đi một phần sinh cảnh của các loài không?”. “Anh có biết chút ít cho nên mỗi cụm anh chỉ lấy một ít, không động vào rễ, rút đi cũng cẩn thận, cô vừa ý chứ?”. Tôi im lặng nhưng vẫn âm thầm theo dõi, chỉ cần sơ hở ra là biết tay tôi.
“Rừng còn bao nhiêu đâu mà kéo nhau vào đó để tha về làm của riêng”
Điều cốt tủy của một nhóm tác phẩm cùng đề tài theo tôi là sự tập trung để khai thác hết các khía cạnh chất liệu và nội dung, biết giản lược những gì phiền phức rườm rà. Người sáng tạo phải biết lặng lẽ, vô ngôn để tác phẩm tự thân làm nên ý niệm của nó. Tác phẩm thành hình thì là của dư luận nhưng quá trình của nó lại làm người ta lớn khôn. Nếu tác phẩm của Trung Nghĩa không thuộc về khuynh hướng nào cả, chỉ có những ưa thích hiếu ố riêng tư, lại phiêu bạt trên rất nhiều chất liệu khác nhau và chỉ thỏa mãn thẩm mỹ cá nhân thì cũng có thể xem như là một tác phẩm không luận đề và không thể nâng lên thành hàng phổ quát tính về biểu đạt.
“Tác phẩm thành hình thì là của dư luận nhưng quá trình của nó lại làm người ta lớn khôn.”
Chuyển dịch đồ vật thành hành vi triển lãm
Sắc độ của sự dịu dàng trong chuỗi sắp đặt tre nứa lần này của Nghĩa cũng có thể được xem như là một nỗ lực vươn hết mình trở lại quá khứ, gìn giữ lại các ký ức tập thể hay hoài vọng căn cốt của người phương Đông. Chọn hình thức biểu đạt là nghệ thuật sắp đặt để mô phỏng tự nhiên hay các sinh vật hữu cơ có tổ chức khác cũng là cách để trực tiếp phản chiếu thực tại sống động. Nghe ra có vẻ như là một sự tính toán cẩn mật, rất sành phương thuật nhưng bản chất nó vẫn chỉ làm dáng vẻ của các trò chơi. Trò chơi của Nghĩa và những người già ngồi đan lát, kết lạt, thắt vấn, đính kết các mảnh của lâm sinh hoang dã thành những li ti cuộn sóng trên thân con thuyền, thân cá... Nếu gọi các tác phẩm là các giá thể thì các bông hoa mây như là đàn nấm mọc san sát trong rừng nguyên sinh. Mây và Tre đã chuyển sang màu vàng, gần như chỉ thêm 1 tone nữa là tiệp với màu phù sa. Thứ chất liệu đã keo lại, rắn cứng chỉ cần cẩn trọng với hỏa là nó sẽ như một thực thể bất khả hủy hoại về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ảnh: Barack Huy
Mỗi tác phẩm được nuôi dưỡng dù thông qua con đường tri thức hay “hộp rỗng” đều được người ta nuôi nấng và chí thành thi thiết như là một sự phát triển nghề nghiệp của họ. Nhưng nếu giữa những bao la lựa chọn khác, giữa muôn trùng vây các trường phái, phong cách, cá tính, xiển dương văn hóa... ở thời đương đại, tác phẩm đang từ dị biệt chìm trong cái tương đồng thì người nghệ sĩ lại có thêm cái cớ cho dặm dài sáng tác mới ở phía trước.
Sài Gòn, 10/07/2020