“Nát Giỏ Còn Bờ Tre”(*)
(*) Trong các văn ngôn dẫn chứng và các phái sinh từ đời sống, câu “Nát giỏ còn bờ tre” có khi là “Nát giỏ còn tre”, ví dụ “Phận người nát giỏ còn tre/ Phận ta nát gỗ nhánh nè cũng không” - ca dao. Đôi khi còn có các dị bản như “Nát phên còn tre”, “Nát vỏ còn bờ tre”, “Nát giậu còn bờ tre”…, ví dụ “Giậu kia rách nát hãy còn bờ tre” - ca dao. Nhưng ở đây chúng tôi chọn câu “Nát giỏ còn bờ tre”.
Dạo gần đây tôi sợ những cuộc gọi điện thoại đêm khuya... Bởi vì chúng thường mang lại những thông tin không mấy tốt lành từ những người thân quen trong vòng giao đãi, đặc biệt trong năm đại nạn này, trong khoảng thời gian mà cả nhân loại rối ren vì Covid 19 và các thảm họa từ thiên nhiên ập tới. Mà âu cũng có lẽ vì tuổi tác và việc đã lập gia đình, nên những cuộc gọi yêu đương lãng mạn, những háo hức chờ mong như tuổi trẻ đã không còn nữa. Đêm chỉ đầy trăn trở suy tư, số vô lo là khẩu hiệu, chứ thực hành thì khó lắm!
Như một cuộc gọi lúc 10 giờ đêm trước Tết Canh Tý 2020, bác Tạ Ba, một người thợ trong nhóm chúng tôi làm chung gọi cho tôi với giọng nhè nhẹ, nghèn nghẹn: “Con ơi, bác báo con là ông Tám Quý đã đi rồi con nghe!”. Lúc đó, tự nhiên mọi thứ nhòa đi, chân tay tôi trở nên thừa thãi, bủn rủn. Dĩ nhiên cái câu cửa miệng: “Tử vô kỳ” ai chẳng nói được, nhưng đối diện lại là chuyện khác. Vừa mới nghe giọng nói sang sảng của bác Tám Quý: “Bác không sao con ơi, bệnh tình cũng có giảm rồi. Con sớm về để bác cháu hội ý làm cho xong cái (tác phẩm) con muốn nghe con!” rồi vài ngày sau là bác qua đời. Tôi mất đi một người thợ lành nghề, một người bạn tri kỷ và một người ông tính cách hào hiệp cương trực và đáng kính. Gần 4 năm trời lặng lẽ cùng các bác làm đủ trò vui, đi rừng lấy mây, lấy dầu rái, băng đồng chọn tre, hốt cứt trâu, nghiên cứu các mũi đan... Đứa cháu như tôi đã có đủ gắn bó với các bác để hiểu mỗi đời sống, tính cách, nỗi niềm của từng người. Bác Sáu Nhì, bác Tạ Ba, bác Bốn Giai, bác Tám Quý, mỗi con người một câu chuyện và là một số phận, dù chung một lũy tre làng mà ra. Họ có thể là những con người từng khác chiến tuyến, nhưng chúng tôi đã từng ngồi lại để làm từng tác phẩm với bằng hết sự kiên nhẫn, tập trung, kỹ năng bởi những đôi tay thô sần, chúng tôi ngồi hơn ba năm nếm đủ nắng mưa, để làm những việc mà cho tới tận bây giờ, các bác vẫn không thể hiểu tôi làm chúng để làm gì?
Hơn 4 năm sống một mình tại Đà Lạt, từng ngồi và được một người anh là một họa sĩ nổi tiếng tâm sự: “Anh chán conceptual art rồi dù anh là người tiên phong và cũng có chút thành công. Anh chỉ muốn bây giờ vẽ không cần concept”. Tôi nghĩ cũng là một ý hay, nhưng mà khổ nỗi người ta đến thắp cây nhang nhỏ xíu mà còn có dụng ý, vậy phải chăng không cần concept cũng là một dạng concept, ngay khi anh từ chối dụng ý, nó cũng đã là dụng ý rồi, luẩn quẩn chạy đâu cho khỏi?
Rời khỏi Đà Lạt và trở về quê cha đất tổ Quảng Nam, ở cái tuổi gần 40 lông bông chỉ có lòng yêu nghệ thuật làm hành trang. Mà vừa chạm mặt dòng Thu Bồn, núi Cà Tang, thôn làng ẩn hiện... đã yêu mãnh liệt đất này. Nhắm mắt hít một hơi thì nghe thoảng cái mùi cố hương, mùi của rơm rạ, của nhang khói, của cây dủ dẻ, cây sim, của cây cỏ sau mưa... Nhất là nhớ khi bước những bước chân lên khúc bờ đá quanh co nhà ông nội, lần nào cũng vậy, những mùi hương kỳ lạ đó đi theo thằng bé 3 tuổi đến tận năm nó gần 40 không hề khác nhau.
“Nhắm mắt hít một hơi thì nghe thoảng cái mùi cố hương, mùi của rơm rạ, của nhang khói, của cây dủ dẻ, cây sim, của cây cỏ sau mưa...”
Bây giờ để ý kỹ, sẽ thấy các cụ già ngày xưa hầu như ai cũng có kỹ năng về tre, về mộc, hiểu chút ít về các loại cây lá thuốc, họ tự tay làm rổ rá, phên chiếu, nhang, dựng nhà... Cách tự tay làm lấy mọi thứ này thế giới hiện đại gọi là DIY (DIY - Do It Yourself). Với thế hệ trẻ thích sống nhanh, tiện, thực dụng, họ nhanh chóng quay lưng đi với những kĩ năng đẹp đẽ của cha ông để lại (đó là tôi nghĩ nó đẹp, chắc gì họ nghĩ thế); có lẽ với họ, thế giới đẹp nhất là tiền. Lang thang ở quê, chạm mặt cái ghe bằng tre, một cái nia cạp bằng mây, một cái giỏ đựng gà, một cái rọ heo bằng những thanh tre chắc chắn... Tới tuổi nào đó nhìn những vật dụng bình dị như thế thật xúc động. Chúng đẹp đẽ, gợi cảm đến lạ lùng.
“Tới tuổi nào đó nhìn những vật dụng bình dị như thế thật xúc động. Chúng đẹp đẽ, gợi cảm đến lạ lùng.”
Những bác thợ cuối cùng tuổi từ 79-86 mà tôi bỏ công tìm kiếm, làm quen trong các làng, may thay vẫn còn tất cả những kỹ năng làm các đồ mây tre đó. Lũ trai làng nhìn bọn tôi như nhìn một đám người ngoài hành tinh suốt những tháng năm chúng tôi làm việc cùng nhau. Ban đầu gặp gỡ, vấn đề lớn là các bác thợ họ chẳng tin một đứa trẻ kỳ dị như tôi, những lời tôi nói về những tác phẩm mơ hồ bằng tre mà trong đời họ chưa từng biết, chưa từng làm. Cho nên việc thuyết phục họ cùng chơi những cuộc vui này chẳng dễ dàng gì... Thế mà dần dà những ông già trong các làng đó cũng chơi được gần 4 năm với đứa cháu như tôi, việc không thể tưởng. Đôi khi tôi dừng lại ngắm nhìn từng người thợ khi họ đang cần mẫn làm việc và lòng nghĩ, mình nhất định sẽ mời tất cả các bác cùng tụ họp trong triển lãm, sẽ vui lắm đây, hy vọng mọi người có mặt đầy đủ. Cũng có một thoáng lo, chắc gì còn có thể hội ngộ đông đủ cùng nhau khi các cụ tuổi ngày càng cao... Nhưng với tôi sẽ luôn nhớ lời người chú, khi sang thăm ông ở bên kia sông, trong lần ngồi tâm sự dịp hết dịch Covid-19 lần 1, ông đã nói: “Con ơi, nát giỏ còn bờ tre!”.
Ảnh: Mỹ Dũng
Tre
Nhiều lần chúng tôi ngồi chia sẻ, kể lại những điều từng trải với nhau. Vừa làm vừa tâm sự chuyện đời, chuyện đạo... Cũng có khối thứ hay mà khám phá. Tôi mở mang thêm nhiều về quê hương mình. Tôi đi tìm mua những bụi tre gò tốt nhất khi chúng sắp bị chặt hạ để người ta trồng thứ cây keo công nghiệp nhanh có tiền vô, nên chủ sẵn lòng bán rẻ. Những rừng dầu rái hàng trăm năm tuổi nay bắt đầu trở nên vô dụng vì những vật liệu công nghiệp thay thế, vậy tôi tìm về chúng, vì với tôi, chúng là những cây dầu rái hảo hạng. Các cây mây cám chỉ, cám mỡ mọc đầy trong rừng, không ai dùng vì chúng quá nhẹ ký, bán khó có người mua, nhưng với tôi chúng đẹp và dẻo dai vô cùng, tôi thầm cảm tạ chúng bởi mình có nhiều vật liệu để sáng tác; mây tre nếu xử lý tốt, để trong chỗ thông thoáng thì bền trăm năm.
Đề tài thì ngẫu hứng, có thể là một tảng đá lăn trước mặt tôi vào một ngày bão to và tôi đang trên đường lầm lũi chạy xe lên quê, có thể là vũng nước cá lội mà tôi và bác Ba, bác Giai, bác Quý hay bác Nhì vẫn ngồi cạnh, có thể là con ốc bươu mẹ lặng lẽ bám dính trên đọt lúa, một con cá chết khô... Tôi chỉ chia sẻ với các bác rằng: “Mọi thứ rồi phải tàn lụi, tan biến theo thời gian để những thứ khác được mọc lên, được sinh sôi, các bác có thể cho con thật nhiều, thật nhiều hoa không? Chỗ có cái chết, có sự lãng quên thì hoa cỏ dại mọc, đẹp biết bao”. Hoa cỏ chi chít trong tác phẩm là vì thế, và với hàng ngàn ngày tỉ mỉ đan, các tác phẩm cũng từ từ thành hình.
“Chỗ có cái chết, có sự lãng quên thì hoa cỏ dại mọc, đẹp biết bao.”
Chúng tôi không phải là những người giỏi nhất, điêu luyện nhất trong kỹ năng ứng biến với mây tre, một tay dở người, một tay thợ dầu rái, một tay đan rọ heo, một người nông dân, một anh họa sĩ biết quê cha đất tổ lờ mờ qua ký ức tuổi thơ thì không thể nào là những con người siêu việt nhất trong công việc ấy. Nhưng chừng đó những tháng năm đẹp đẽ cùng nhau đi qua, mới thấy những thứ cho nhau trong đời là lớn chừng nào. Chúng khiến tôi chấp nhận những phần lỗi, phần chưa đẹp, phần không ổn trong từng chi tiết tác phẩm khi tôi là người cuối cùng hoàn tất. Mọi thứ chẳng phải vốn đều bất toàn sao? Nếu nó vốn vậy cứ để vậy.
Nát bờ tre còn gì?
Lần gần nhất là trước khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng - Quảng Nam, tôi phải chứng kiến một người thợ ngã xuống, một người còn lại được đưa vào khám ung bướu, một người thợ già 86 tuổi đau ốm liên miên, mắt mờ chân run. Cách đây 4 năm họ vẫn còn leo cây đốn tre, vào rừng lấy mây, lấy dầu rái nhanh nhẹn gọn gàng. Mà nay đứng trước tôi như một người khác, thời gian thật tàn khốc, đời người cũng buồn bã quá vậy?
Con đường làng bây giờ đã được san lấp, khối nhà của chính quyền nằm to lớn trên đồi, xe tải chở keo ra vô nườm nượp, xóm làng bắt đầu nói về chữ “quy hoạch”, “phân lô”... Những từ ngày xưa vốn ít được nhắc đến, nay họ đa số ngồi chơi nhàn hạ, sống trượt qua cuộc đời, không chậm cũng chẳng nhanh.
Khi bụi tre lớn ở nhà ông nội tôi bị san phẳng, khu vườn yên tĩnh giờ đã bị cào bằng theo, mất đi bao nhiêu mảng xanh trên con đường xuyên quê tiện lợi, hiện đại... ký ức về cố hương của tôi mờ dần. Nhưng vì nhiều người không quen với việc sống chung với tự nhiên, mọi thứ phải được phân lô và kiểm soát, con người sinh sôi chớ đất đâu có sinh ra? Những con người xưa cũ nằm xuống, những rặng tre lui dần nhường cho một thế hệ mới... Trong lòng tôi vẫn mang nặng câu hỏi: “Nát bờ tre còn gì?”.
Sài Gòn, tháng 08/2020