“Tôi rung động với những gì còn sót lại.”

Có một câu chuyện nhỏ bé và dễ thương mà mỗi lần nhớ lại, tôi bỗng chốc mỉm cười. Có hai đứa trẻ, một trai và một gái, đang chơi đùa trên bãi cát. Chúng hì hục xây tòa lâu đài cát với cổng to đồ sộ, đỉnh tháp, thành trì đến những lối vào quanh co. Nhưng đến lúc gần hoàn chỉnh, một cơn sóng lớn cuốn trôi đi tất cả, chỉ còn lại một đụn cát ướt. Bạn nghĩ hai đứa trẻ sẽ òa lên khóc nức nở? Ôi không! Chúng nắm tay nhau chạy ra xa, cười đùa rồi xây tòa lâu đài khác. Phải chăng mọi thứ trên đời đều như thế hay sao? Có sinh rồi sẽ có diệt, nhưng khi điều đó xảy ra, hãy như những đứa trẻ, nắm tay nhau cười đùa. Cuộc đời đơn giản là một cuộc rong chơi!

Cuộc đời đơn giản là một cuộc rong chơi!
— Trang Ps

Khi tôi gặp họa sĩ Trung Nghĩa cách đây gần một năm, anh kể tôi nghe về triển lãm sắp tới mà anh đã ấp ủ trong vòng gần 4 năm. Đại dịch đến rồi đi, trở lại rồi bình ổn tạm thời, “Nát giỏ còn bờ tre” của anh cuối cùng đã hoàn thiện gần như toàn bộ tác phẩm, chỉ còn trông nhờ vào hoàn cảnh thì mọi thứ sẽ diễn ra.

Gần 4 năm cho một dự án, làm nghệ thuật cũng như sống một cuộc đời, anh cho rằng đó là một cuộc rong chơi còn bản thân anh như đứa trẻ xây lâu đài cát. Với trái tim rộng mở và bản năng nhặt nhạnh, tìm tòi, mỗi ngày là một sự tươi mới. Thế nhưng, vào năm 2016, khi trở về Đà Nẵng được một năm, anh cảm thấy chán. Có lẽ vì nhân duyên chưa đủ, mà “đứa trẻ” cũng có lúc tỏ vẻ chán chường. Anh tặc lưỡi tự nhủ: “Thôi, còn dăm trăm triệu trong tay, mua mảnh đất ven suối ở Đà Lạt rồi xây nhà ở cho sướng! Chả suy nghĩ nhiều nữa!”. Đất Đà Lạt lúc ấy hãy còn rẻ, mà xứ sở sương mù cũng thường là chốn lui về của những kẻ mộng mơ. Nhưng, một ông anh làm nhiếp ảnh gia của Nghĩa mới thẳng thừng bảo: “Mày ngu quá! Ở đây thiếu gì đề tài! Mày ở yên chốn quê cha đất tổ này mà làm, làm cho được đã rồi muốn đi đâu hẵng đi!”. Ổng bảo anh sao không vẽ lên cái thúng, cái ghe, cái rổ kia… Nhưng, mấy cái đó cũng đã có biết bao người làm rồi! Bây giờ chẳng lẽ làm lại thì kỳ cục quá!

Nhưng có lẽ, Nghĩa ám ảnh ở cụm từ “quê cha đất tổ”, bốn chữ cái mộc mạc bất giác dội vào lòng người nghệ sĩ còn nặng gánh quê hương. Những ngày sau đó, anh đánh xe ra biển, đăm chiêu nhìn vào những chiếc ghe, thuyền thúng bị hủy hoại nằm lạc lõng giữa trời đất mênh mông. Anh để mắt đến những đường đan, thốt lên trong lòng “chà đẹp quá!”. Tình cờ sau đó, Nghĩa trở về quê cha Nông Sơn, Quảng Nam mấy ngày, bắt gặp nhà nào nhà nấy cũng treo những chiếc ghe tre, khác với bây giờ thường là ghe thiếc. Bản tính trẻ con trong anh trỗi dậy, anh sờ mó, đụng chạm và hỏi han liên tục. Những chiếc ghe trét dầu rái, sần sần, nổi bật với những móc lỗ thể hiện quá trình đan tay tỉ mẩn, kiên nhẫn. Nghĩa thốt lên: “Ồ hay quá! Cái này giờ có thể nhờ ai đan được nhỉ?”. Người ta giới thiệu anh vào một số nhà của người thợ trong làng, dù còn đan lát kiếm sống qua ngày nhưng ai nấy đều đã già lụ khụ! Nghĩa tiếp tục đánh xe vào làng, tìm tới những con người còn sót lại của nghề đan lát tre. Anh ngồi ôm đầu gối, chú tâm quan sát cách người ta làm. Từ thao tác nứt đến cạp nia vành đều vô cùng điêu luyện. Anh nhủ: “Từ những lũy tre làng thân thuộc đến phát ngán mà giờ đây người ta có thể biến hóa thành những tác phẩm đẹp và bền như thế này”. Dân làng khoe anh rằng có những chiếc giỏ, chiếc thúng treo gác bếp từ thời Pháp đến giờ còn khá nguyên vẹn. Đêm đó, về nhà, Nghĩa mới Google từ khóa “tre”, bất giác nhận ra dân mình hồi xưa có những kỹ năng về tre rất kinh ngạc, khác biệt với những đất nước như Thái Lan, Nhật Bản hay Trung Hoa.

Một ông quan Pháp từng kể lại câu chuyện những người lính An Nam đã cứu mình bằng kỹ năng về tre như thế này: hôm đó, sẩm tối, đoàn lính hộ tống ông qua một khu rừng. Lên triền núi thì cả đoàn nghe tiếng cọp gầm lên đến rợn da gáy. Mà với cọp, nó chả phân biệt con người hay con thú, nó chỉ biết đó là con mồi. Ngay lập tức, những người lính An Nam, nhỏ nhắn mà khéo léo, đến chặt những bụi tre, dựng thành lũy, đuốc giăng khắp nơi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, người ta thấy chân cọp xung quanh. Nếu không có những kỹ năng sinh tồn bằng tre, có lẽ, tất cả đã không qua khỏi hiểm nguy trong đêm đó.

Nhưng giờ đây, người ta khó có thể thấy được cái đẹp hiện hữu ấy. Tất cả chạy theo những tiện lợi. Nghề thủ công tưởng chừng có thể là lĩnh vực cứu sống nghề tre nhưng lại là tác nhân giết chết nghề tre, vì lối sống tinh thần mì ăn liền, chụp giựt khiến những thứ làm ra không còn xuất phát từ tinh thần kiên nhẫn và trau chuốt tỉ mẩn như ông cha ta ngày xưa nữa.

“Tôi rung động với những gì còn sót lại”

Thế nên, thay vì bỏ 500 – 600 triệu đồng mua một mảnh đất ở Đà Lạt, xây một ngôi nhà, vẽ tranh bán, rung đùi sống qua ngày thì Nghĩa quyết tìm cho bằng được những người thợ có thể đi cùng mình, và trả lương cho họ. Anh quan sát ở họ một tinh thần nghệ nhân thực thụ. Chỉ bằng cái rựa và bàn tay thô ráp, họ vót từng cây nan kỹ càng, thẳng tắp, ở giữa vồng lên một chút. Nghĩa bảo: “Cái chất của họ không phải của một người bình thường. Họ là nghệ sĩ. Họ chọn từng cay nan một, chọn từng cọng mây một, những thứ nhỏ nhặt như những thứ to tát, đều được đối xử và chú tâm như nhau rất kỹ càng, rất chỉn chu”. Người ta kể lại có những người rất “dị nhân”. Họ mù hai con mắt nhưng cảm rất tốt. Họ đến bờ tre gõ gõ, biết được đâu là tre tốt, đâu là tre chưa tốt. Anh ước có thể làm việc với những người như vậy, nhưng họ đã qua đời từ lâu. May mắn thay, cuối cùng, anh cũng “gom” được 4 ông, người trẻ nhất 79 tuổi còn già nhất đã 86.

Nhưng khi tiếp xúc với Nghĩa, họ đều rất ngại: “Con muốn làm cái giỏ, cái mủng gì thì cứ bảo bác chứ con nói về tác phẩm, bác không hiểu”. Nhưng Nghĩa vẫn quyết tâm, mong muốn “xây tòa lâu đài cát” với họ. Anh “dụ” họ đi chơi, chỉ cho họ cái đẹp, và mời họ ra Đà Nẵng ở với anh vài ngày. Anh bảo: “Mấy bác biết không! Để có một căn nhà nhìn ra cánh đồng xanh rì và ngọn núi hùng vĩ như vậy ở Hội An, người ta phải bỏ ra mười mấy tỷ đồng. Mấy bác chính là tỷ phú mà mấy bác không biết! Mấy bác có biết để hình thành một con người ngồi đây vuốt từng cọng nan kỹ càng như vậy thì cần đào tạo bao lâu, tâm tính con người ta phải kiên nhẫn và đàng hoàng như thế nào. Mấy bác lúc nào cũng than nghèo, để con cho các bác thấy các bác là tỷ phú hết!”. Nghĩa dẫn họ ra bờ ruộng coi con ốc, mấy con thác rồi dẫn các bác vào rừng. Nghĩa thốt lên: “Ôi, những trảng cỏ tranh đổ xuống suối mới tuyệt đẹp làm sao!”. Mấy ông lắc đầu bảo: “Bác thấy có gì đẹp đâu con!”. Có lẽ, khi mọi thứ khô khốc và biến thành sa mạc, người ta mới thấy những trảng cỏ tranh và dòng suối mộc mạc dưới chân là đáng quý.

Có lẽ, khi mọi thứ khô khốc và biến thành sa mạc, người ta mới thấy những trảng cỏ tranh và dòng suối mộc mạc dưới chân là đáng quý.
— Trang Ps

Và thế, những tác phẩm thành hình từ những thứ bình dị (thậm chí bị người ta cho là “đồ vứt đi” hay “vô dụng”) mà Nghĩa và những người thợ thấy dọc đường: tảng đá lăn trước mặt, vũng nước cá lội, con ốc bươu, một con cá chết khô và cả chiếc ghe năm xưa còn sót lại,… Đến đây, tôi chợt nghĩ trên cuộc đời này, có điều gì mà bình thường hay tầm thường đâu! Như Basho, thi nhân lừng danh của Nhật Bản ở thế kỷ 17, viết về những sự việc rất đơn sơ, rất mộc mạc mà ta gặp thường ngày. Nhưng dường như trong cái tự nhiên bình dị ấy, con người như được thức tỉnh về một điều gì đó hết sức nhiệm màu, hiện hữu trong một thực tại trống không và thinh lặng:

Ta nhìn sâu xa
Bên hàng giậu nở
Cành nazuna
— Nhật Chiêu dịch

Ba câu thơ, mười chữ cái, ghi lại một sự kiện tưởng chừng chẳng có gì đáng để tâm. Nhưng trong cái tưởng chừng “tầm thường” ấy, Basho chợt khám phá một thực tại hết sức mầu nhiệm là cành hoa nazuna đang nở. Đấy chẳng phải là một biểu hiện cái nhìn của tuệ giác tự nhiên hay sao? Một sự sống hòa hợp với thiên nhiên, và trong chốc lát, Basho chợt thấy mình là một với hiện hữu.

Quay trở lại câu chuyện của họa sĩ Trung Nghĩa, năm con người hòa nhập vào thiên nhiên, và một trong số năm người ấy chỉ cho cả nhóm một thực tại hết sức nhiệm màu mà chỉ cái tâm trong sáng và biết rung động mới có thể cảm nhận sâu xa. Nhưng cuộc đời này vốn dĩ ai ai mà chẳng có một cái tâm trong sáng và biết rung động, chẳng qua là ta bị những điều bận rộn và lo toan bề mặt làm mê muội tạm thời mà thôi.

“Chỉ những kẻ dở người mới chơi được với nhau”

Thoạt đầu, Nghĩa bắt tay làm việc với ông Sáu Nhì “dở người”. Ông cụt một giò và chỉ biết vót nan. Ông vót từ cây nan này qua cây nan kia, ông vót ngược vót xuôi trong 3 tháng trời. Ông thấy thằng Nghĩa này cũng hay ho, và quan trọng là những kẻ dở người thì mới chơi được với nhau. Và ông lại chính là người có tác phẩm “hoành tráng” nhất tại triển lãm, ấy là chiếc ghe tre dài 6 mét với thật nhiều bông hoa mây đan tuyệt đẹp. Ông tháo chiếc chân giả của mình, và dùng chân cụt đạp vào chiếc ghe, máu chảy tóe ra! Hàng tháng trời, hàng năm trời như vậy, chiếc ghe thành hình nhưng câu chuyện đằng sau đó mới thực sự là vô giá!

Bây giờ, người ta bảo rằng ai ai cũng có thể bắt chước tranh Van Gogh, vậy thì kỹ thuật tranh của danh họa ấy hóa ra chả phải là điều gì xa lạ, thậm chí là quá sức bình thường so với ngày nay. Nhưng tại sao mà tranh Van Gogh vô giá? Chả phải là hành trình và câu chuyện đằng sau những bức tranh hay sao? Mà câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh là độc nhất, là khác biệt, và không thể sao chép để đổi lại một sự trân trọng hay chấp nhận ngang bằng. Không thể!

Một ông cụ “dở người”, một kẻ nói linh tinh trên trời dưới đất, và mỗi lần gặp Nghĩa đều chảy nước mắt đến thương như thế, lại là cha đẻ của một chiếc ghe tre hoa nhiệm mầu. Nhìn chiếc ghe, tôi nhớ đến bài thơ “Paper Boat” (Những con thuyền giấy) của Tagore quá chừng.

Ngày lại ngày, tôi thả con thuyền giấy
Từng chiếc một lướt trên dòng nước chảy
Trên con thuyền, tôi viết tên mình và làng mình
Bằng những chữ cái lớn màu đen
Với hy vọng rằng một ai đó từ miền đất lạ
Sẽ tình cờ thấy và biết về tôi
Trên những con thuyền nho nhỏ
Tôi chất đầy hoa shiuli từ vườn nhà
Thầm mong những đóa hoa bình minh
Sẽ cập bến đất liền an toàn trong đêm tối
Tôi buông con thuyền giấy, rồi ngước lên bầu trời
Những đám mây nho nhỏ, giăng buồm trắng mênh mông

Tôi đâu biết người bạn nào trên đó
Thả chúng xuống nhập cuộc với những con thuyền của tôi
Khi đêm xuống,
Tôi úp mặt vào cánh tay
Và mơ thấy con thuyền
Đang trôi, trôi mãi
Dưới những vầng sao khuya
Bao nàng tiên-giấc-ngủ cưỡi thuyền
Mang theo chiếc rổ đựng đầy những ước mơ.
— Đào Xuân Quý dịch

Những bông hoa trên chiếc ghe cũng giống như bông hoa shiuli đang trên hành trình gieo mơ ước đến vùng đất xa lạ. Hình ảnh chiếc ghe giờ đây không còn là vật vô tri vô giác. Nó chứa đựng linh hồn, sinh mạng và cả lý tưởng. Nó vượt thoát khỏi thân phận vận chuyển để trở thành cái gì đó thiêng liêng hơn. Để giờ đây, mỗi lần nghĩ hoặc nhìn chiếc ghe, nó bỗng lay động trong ta nỗi niềm nào đó, có cả những giấc mơ.

Cuộc đời là vậy, chỉ cần yêu thôi, mọi thứ sẽ tự dẫn tới! Tôi yêu thích tinh thần ấy của họa sĩ. Nghệ thuật đôi khi không phải là thông điệp trên tác phẩm mà là hành trình tạo ra tác phẩm ấy, như người mẹ mang thai con 9 tháng 10 ngày, ấy là cả một chặng đường dài để khi đón, sờ, vuốt ve đứa con, thì mẹ vỡ òa hạnh phúc. Vậy nên, khi đứa con ra đời, mẹ sẽ muốn khoe con với cả thế giới.

Những bông hoa trên chiếc ghe cũng giống như bông hoa shiuli đang trên hành trình gieo mơ ước đến vùng đất xa lạ.

Ảnh: Anh Tú

“Cái đẹp vẫn ở ngay trước mắt ta thôi”

Tôi hỏi Trung Nghĩa: “Phải chăng anh muốn khi nhìn những tác phẩm này, con người ta sẽ quay về những điều xưa cũ đẹp đẽ, như hồi sinh lại nghề đan lát tre chẳng hạn?”. Nhưng vốn dĩ, như anh bảo, chỉ muốn cho mọi người biết được hành trình đã đi qua, về 4 năm nghiêm túc làm việc với những con người gần đất xa trời, mà một trong số đó đã mất vào dịp Tết vừa qua. Sự sống của họ được tính bằng ngày, thế nên, việc ngồi xuống với những con người nhỏ bé, những con người bị lãng quên như vậy trong xã hội là một điều đẹp đẽ trong chặng đường làm nghệ thuật của họa sĩ. Cuộc đời là vậy, chỉ là yêu hay không yêu, thích hay không thích, cái gì dẫn tới sẽ tới, chứ ngồi mà chờ đợi thì uổng phí biết bao nhiêu.

Chiêm ngưỡng một vòng tác phẩm của Nghĩa, từ con cá chết khô, con ốc bươu, tảng đá đến chiếc ghe, tất cả được đan cài những bông hoa thật đẹp. Hoa có thể mong manh nhưng tượng trưng cho cái đẹp, và cái đẹp thì luôn luôn hiện hữu. “Nát giỏ còn bờ tre”, cuối cùng, chúng ta đều nhìn thấy được tia hy vọng. Có thể có những điều sẽ qua đi, có sinh rồi sẽ có diệt theo quy luật vô thường của vũ trụ, nhưng khi trái tim còn rung động, khi trái tim còn rộng mở, thì cái đẹp vẫn ở ngay trước mắt ta thôi.

Những tháng ngày bão, lụt lội ghê lắm, Nghĩa thuê một chiếc xe tải, chở toàn bộ tác phẩm lên Đà Nẵng để tránh mốc vì công đoạn xử lý chưa hoàn thành. Đến đây, tôi chợt nhớ đến vần thơ trong bài “Sông lấp” của Trần Tế Xương: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Quê hương đẹp và thơ mộng là thế, những điều bình dị cũng hóa nhiệm mầu.

22/09/2020

 
Previous
Previous

Thân tre mà trổ ngà lên

Next
Next

“Nát Giỏ Còn Bờ Tre”(*)