Thân tre mà trổ ngà lên
Vào mùa gió nổi (khoảng tháng 11 Chăm lịch), tôi và đám bạn thời thơ dại đi tìm chặt trong rẫy, vườn những cây tre đã đủ độ tuổi, vừa dẻo vừa chắc để gọt giũa tạo hình con diều mơ ước, cả giống diều đực và diều cái theo cách nhìn văn hóa Chăm. Diều kết nối tuổi thơ chúng tôi với nhau, diều kết nối chúng tôi với văn hóa tổ tiên và diều cũng định địa hạt của từng cá thể, cao hơn, đấy là những lá cờ đánh dấu lãnh địa. Và hình tượng tre, khi được tạo tác thành diều, đã tạo ấn và đi vào cuộc sống chúng tôi như thế.
Với người Chăm, hình ảnh cây tre và thuộc dòng tre đã quen thuộc trong đời sống, các hình thái nghệ thuật cho đến văn hóa tâm linh. Hình tượng tre cũng thể hiện rõ và sống động trong văn hóa palei (làng). Từ huyền sử, thơ ca cho đến quan niệm sống. Như hai câu mở trong trường ca cổ “Chăm Nao Ikak”, trường ca về triết lý chuyến đi và vòng đời một con người:
“Krưm bloh hu bila
Tamuh ngok rong kara ô hu akok
(Thân tre mà trổ ngà lên
Không đầu không cẳng mọc trên lưng rùa)”
Quan niệm về thế giới quan, về đời sống của người Chăm đã khai mở vài điều khác biệt. Cây tre tượng trưng cho sự sinh sôi, sáng tạo, tính dẻo dai và vững chắc. Họ xem thân tre, biểu tượng cho đẳng cấp vaisya (thứ dân), chủ đạo trong vai trò sản tạo ra của cải, là cái cần đàn cưu mang nâng đỡ những bộ phận khác, là động lực chính cho sự phát triển. Thân tre cũng là cần đàn góp phần tạo giai điệu trong vòng đời mỗi con người; một người nghệ sĩ sẽ biết cách tạo hình và lưu lại ký ức cuộc mình, ký ức dân tộc.
Cuộc người sẽ trông tươi tắn hơn nếu trả lại mảng xanh cho thiên nhiên và nhận một phần của mảng vàng cho mình. Nhưng, bóng hoàng đã ngã, dây diều đã đứt, hình bóng lũy tre làng, cả rừng tre và thuộc giống tre đã ngã, trốc gốc. Việt Nam giờ đã đổi khác. Chăm đã khác. Ký ức về hình tượng tre cũng khác. Chỉ những hình ảnh thân quên lắng lại những giai điệu lạc tông của sáo diều. Giờ, ta đang sống, nhìn ánh vàng hấp hối cố tạo sắc dáng, nghe giai điệu vi vu của vòng đời!!! Phải chăng!