Mây, Tre trong tác phẩm của Trung Nghĩa

Bởi đôi khi dù người ta tiến tới tương lai, tìm tòi chất liệu mới, nghiên cứu mới trong sự háo hức, mà cũng chớ quên tìm bới những vàng son của quá khứ, những vang bóng một thời của cha ông.
— Phạm Trung

Ngày nay, có một xu hướng sử dụng vật liệu được các nghệ sĩ cũng như nhà thiết kế sản phẩm rất hứng thú áp dụng vào các tác phẩm, đó là quay ngược trở lại với các vật liệu thiên nhiên như mây, tre, sợi tự nhiên, lá cây... Với bề dày và kinh nghiệm trải qua cả ngàn năm sống, hòa quyện và cộng sinh vào thiên nhiên của các sắc dân bản địa trên khắp thế giới. Thật không khó cho các nghệ sĩ đặc biệt các vùng Á châu, Phi châu tìm tòi gạn lọc để tạo ra các tác phẩm thú vị, với nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có, tay nghề và kinh nghiệm của các nghệ nhân bản địa giúp ích nhiều cho các nghệ sĩ dễ dàng kết hợp tạo nên những tác phẩm cho những triển lãm tầm cỡ, có thể kể qua Bùi Công Khánh (Việt Nam) với những tác phẩm từ gỗ mít cùng những người thợ Quảng Nam, Sopheap Pich (Campuchia) với các tác phẩm song mây uốn cùng đội thợ bản địa khá có danh tiếng trên thế giới. Các công xưởng, đội thợ, nghệ nhân và nghệ sĩ Thái Lan, Indonesia như Korarot Aromdi, Rat Phonsaen, Joko Invianto cũng không kém cạnh với những công trình tre khổng lồ, cùng những tác phẩm kết phối mây tre mà thẩm mỹ và tính ứng dụng phải thuộc vào hàng thượng thừa, chiếm chỗ hầu hết trong các resort, hotel của những tập đoàn danh tiếng thế giới, cũng làm tôi hài lòng khi đưa các tác phẩm vào ứng dụng cho các công trình vừa qua.

Trong năm 2020, sau 3,5 năm ròng rã làm việc, nghiên cứu cùng đội nghệ nhân đan lát tại Nông Sơn, Quảng Nam, Đà Nẵng, nghệ sĩ Trung Nghĩa cuối cùng cũng giới thiệu một bộ sưu tập gồm 6 tác phẩm lớn nhỏ, chú trọng xử lý bằng các kỹ thuật đan lát bản địa và sử dụng vật liệu mây, tre, dầu rái, phân trâu... Qua bàn tay, kinh nghiệm dạn dày, tính tỉ mỉ cần cù của các lão ông thợ thủ công địa phương, sự háo hức, mỹ cảm của nghệ sĩ, cuộc phối ngẫu giữa nghệ sĩ và những người thợ đã một lần nữa tạo ra những kết quả thú vị, mà chỉ khi nhìn ngắm một tác phẩm, chúng ta mới cảm nhận hết câu chuyện và vẻ đẹp của nó. Tác phẩm sử dụng các vật liệu này là một sự lựa chọn lý tưởng vì giá thành thấp cũng như tính sẵn có của vật liệu địa phương. Ứng dụng của vật liệu mây cám mỡ, cám chỉ, song mây, dầu rái, phân trâu, tre cật vào tác phẩm khá nhiều, cho các kết quả ấn tượng bởi lẽ tính bền bỉ chịu lực và vẻ đẹp đặc trưng của chất thô mộc, tính dẻo dai linh hoạt đa ứng dụng của những sợi mây cám nhỏ khiến nghệ sĩ quyết định dùng chúng với tần suất sử dụng dày đặc trong tác phẩm. Trung Nghĩa cũng không quên tếu táo khi sử dụng loại vật liệu tầm thường như phân trâu mà vẫn phối hợp cùng sự lấp lánh những lá vàng ta với những ý đồ riêng của tác giả. Nó khá kỳ cục, nhưng thú vị.

Ảnh: Anh Tú

Tôi đoan chắc việc chọn những vật liệu thiên nhiên này, cũng như tiền sử sử dụng thuốc súng, khói lửa trong các tác phẩm hội họa của Trung Nghĩa từ trước, như là một cách thực hiện hành vi của người nghệ sĩ, một phản ứng chống lại xu thế sử dụng đồ tiện dụng trong một “kỷ nguyên đồ nhựa” thực dụng, tàn phá môi sinh, lối sống gấp tham lam và độc hại của con người đang đổ lên địa cầu, những hệ quả là rõ ràng hơn bao giờ hết những tháng ngày này.

Tại Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, lịch sử sử dụng những vật liệu này đã có bề dày trên cả 1.000 năm. Nó được chú ý như là thành tố mang tính biểu tượng trong trang trí như các tấm đan mặt sàn hay trần, đến những vật dụng thân quen trong sinh hoạt hằng ngày hay phối hợp cả trên những món đồ mỹ nghệ xa xỉ, tinh tế. Đôi khi chúng biểu hiện cho sức mạnh và toàn vẹn, còn được liên tưởng đến như là một biểu thị cho đức tính liêm khiết hay sự quyết tâm và ý chí của con người trong việc sống hòa mình vào tự nhiên.

Điều thú vị là, những các vật liệu có sự liên quan đến quá khứ này vẫn có thể sử dụng cho các công trình phát triển trong thời đại công nghiệp hiện nay. Chúng tạo điểm nhấn khác biệt, mỹ cảm cao mà chỉ đòi hỏi quy trình xử lý tối thiểu, mang lại cho con người cảm giác như đi qua một rừng cây, đắm mình vào thiên nhiên, làm êm dịu lại sự nặng nề, tối giản của chất liệu bê-tông, kính, kết cấu thép... Mây tre còn được biết đến như là những loại vật liệu có thể dùng làm giàn giáo với độ bền và đặc tính cháy chậm. Những cao ốc hàng trăm tầng tại Hồng Kông được xây dựng bằng các giàn giáo tre, sau khi tòa nhà hoàn thiện, tre được chặt vụn hoặc làm phân, thật nhất cử lưỡng tiện!

Với nguồn nguyên liệu dồi dào và sinh cảnh sống đặc trưng, mây tre phù hợp cho nhiều ứng dụng trong art decor, kiến trúc, khai thác hiệu quả nhưng tái tạo nhanh, ít tốn tài nguyên, thời gian quay vòng tái cấu trúc nguồn cung - cầu trong khai thác thương mại tốt hơn nhiều so với các loại vật liệu như gỗ hoặc các nguồn tài nguyên không thể tái tạo khác, đó là lí do mà WWF khuyến khích các dự án trồng đệm và khai thác mây tre tại các bìa rừng tạo vòng bảo vệ hiệu quả và kinh tế.

Cuối cùng, việc sử dụng vật liệu này của tác giả Trung Nghĩa là rất đáng khuyến khích nhất là trong thế hệ các nghệ sĩ và các nhà thiết kế trẻ sau này. Bởi đôi khi dù người ta tiến tới tương lai, tìm tòi chất liệu mới, nghiên cứu mới trong sự háo hức, mà cũng chớ quên tìm bới những vàng son của quá khứ, những vang bóng một thời của cha ông. Và rằng: đương đại không chỉ là những thứ hiện hữu hiện tại, nó còn là những lớp bồi lắng dày đạc của biết bao thế hệ, được thổi dậy lên bởi háo hức, tri ân, rung động và sự tươi mới của những thế hệ đi sau.

 
Previous
Previous

Tre: Mất gốc và lưu giữ

Next
Next

Thân tre mà trổ ngà lên