Tre: Mất gốc và lưu giữ
Tre là gì trong ký ức của tôi? Tôi lục tìm những mảnh ghép rời rạc về chất liệu này trong nhật ký thị dân của mình.
Ảnh: Mỹ Dũng
Đó là những thanh cứng cỏi ba dắt tôi mua về dựng giàn khung cho mẹ trồng những hàng dây leo. Đó là những cây cột dựng cổng trại cho hội xuân ở trường cấp ba của tôi hằng năm. Đó là những chiếc giàn tạm bợ trong những ngày cắm trại nơi núi rừng một thời hướng đạo sinh khi tôi còn bé. Đó là những chiếc thang leo mà tôi vẫn hay thấy người người vác trên vai ngoài đường. Đó là những cây cầu treo “lắt lẻo gập ghềnh khó đi” dưới miền Tây quê ngoại mà tôi rất ít khi bắt gặp, hay ít nhất trong ký ức của tôi là thế.
Còn gì nữa, tôi tự hỏi. Lần cuối tôi nhìn thấy một rặng tre tách biệt khỏi những bàn tay con người là khi nào? Liệu có bao giờ tôi mải mê ngắm nhìn một bụi tre tự nhiên quê nội xứ Quảng? Có lẽ, cuộc sống thành thị tấp nập và xô bồ đã ăn sâu vào máu khiến tôi chẳng tài nào nhớ nổi một khoảnh khắc yên bình bên rặng tre. Những trải nghiệm đắm chìm trong tự nhiên thú thật chẳng phải là một phần của tuổi thơ hay cuộc sống hiện tại của tôi, ít nhất là cho đến thời điểm này. Phải chăng đó là hoàn cảnh một thị dân phải đối mặt trong thời buổi ngày nay, khi con người liên tục cuốn theo vòng xoáy của hiện đại hóa, công nghiệp hóa và quên đi, rũ bỏ thiên nhiên?
Dự án Tre của Trung Nghĩa khiến tôi đau đáu về vấn đề vừa cá nhân vừa phổ biến này: đó là tình trạng “mất gốc” của con người thế kỷ 21. Một mặt, ta khao khát và nỗ lực vươn đến những tiên tiến kỹ thuật, tiện nghi bậc nhất phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của mình; mặt khác, ta đẩy mình ra xa khỏi gốc rễ tự nhiên – nơi khởi nguồn sự sống của nhân loại và vạn vật. Nhưng điều khiến tôi đau đáu hơn cả là hậu quả của việc “mất gốc” này – con người sẽ dần mất đi cảm xúc khi đứng trước, hay chỉ đơn giản là khi nghĩ về thiên nhiên. Ta mải lướt màn hình điện thoại hơn là ngắm nhìn một đóa hoa dại. Ta tất bật cùng màn hình vi tính hơn là đắm mình vào một dòng sông lúc chiều tà. Ta tận hưởng làn gió từ những cánh quạt điện hơn là khí trời giữa chốn rừng tươi mát. Để rồi đến một ngày, chỉ có thế giới ảo và những tiện nghi hiện đại mới khiến ta “rung động”, và ta dần trở nên vô cảm với thiên nhiên quanh mình.
“Để rồi đến một ngày, chỉ có thế giới ảo và những tiện nghi hiện đại mới khiến ta ‘rung động’”
Trong từng tác phẩm, Trung Nghĩa không giáo điều về hiện trạng suy thoái của môi trường một cách đầy kịch tính hay chỉ trích trực diện đời sống hiện đại. Thay vào đó, anh mang đến cho người xem, hay nói đúng hơn là trả lại cho họ cảm giác rung động ban sơ trước vẻ đẹp bình dị của tự nhiên. Và để họ nhận ra một điều giản đơn rằng, vẻ đẹp ấy luôn hiện hữu quanh chúng ta từng phút từng giây, ở bất cứ nơi nào và ta nên trân trọng nó khi còn có thể.
Vào lúc này đây, trong ánh nắng ban sớm miền cao, những đóa dã quỳ đang nở vàng ươm trên vách đá ven đường, nhịp nhàng xoay theo làn gió con con thoảng qua, rồi hóa thành những sợi uyển chuyển phía đuôi một con thuyền vô danh, vô bến bờ nọ. Còn bên một sườn dốc thoải đất đỏ nào đó, một tảng đá đứng nghiêm minh lặng lẽ như trông chờ một điều gì xảy đến để nó được ngã rạp xuống đất cùng đồng bọn kề bên. Giữa một cánh đồng bạt ngàn xanh mơn mởn trong buổi chiều tà, với những tia nắng còn vương nồng ấm trên từng ngọn lúa, một con ốc sên nhỏ bé nằm bất tỉnh thiên thu dưới lớp vỏ vỡ nát trên nền đất ẩm, cũng lặng lẽ đợi chờ, một sự tái sinh.
Có lẽ, vì quá thân thuộc với một điều mà ta nghĩ nó luôn hiện hữu, con người ta có xu hướng phớt lờ, lãng quên, hay xem thường giá trị của điều đó. Những hình ảnh ngẫu nhiên, nhỏ bé đời thường kia của thiên nhiên được Trung Nghĩa và những người thợ uốn nắn, phóng to thành từng nhịp điệu uyển chuyển mang dáng vẻ thân thuộc lạ kỳ đến mức không nhận ra của những sợi tre, sợi nứa. Nhưng chính điều này lại tạo nên vẻ đẹp nên thơ, lặng lẽ đầy cuốn hút của những chủ thể trong dự án này, hay cả khi chúng xuất hiện trước mắt ta ngoài đời thực, hay trong tâm trí khi ta mường tượng, ta vẫn dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp ấy. Thật vậy, những điều ta phớt lờ đôi khi lại là những thứ cuốn hút ta nhiều nhất.
Dự án này cũng vô tư và vô biên theo cách mà Trung Nghĩa chẳng muốn thúc ép nó vào bất kỳ khuôn khổ hay định chế nào đang hiện hành trong thế giới nghệ thuật đương đại. Gọi nó là sắp đặt, điêu khắc, là gì cũng được, anh trò chuyện với tôi. Nhưng chắc chắn một điều, đối với Trung Nghĩa, Tre là trò chơi mà một kẻ trưởng thành tái dựng để tìm về tuổi thơ đẹp đẽ bên thiên nhiên tươi mát của chính mình. Anh lặn lội gần nửa thập kỷ để làm quen, gắn bó, trò chuyện cùng những ông cụ làm nghề đan tre nứa quê mình, để rồi những kỷ niệm ngày xưa châu chấu tre ùa về, những kỷ niệm mới ùa đến cùng các cụ và cái nghề đan mà ít ai trong làng còn muốn gắn bó, tạo nên một tổng thể những kỷ vật mang hình hài nghệ thuật vừa cá nhân vừa tập thể, chứa đầy những giá trị xuyên thế hệ trong dự án Tre.
Những kỷ vật ấy cũng thể hiện một nỗi lo lớn hơn mà ắt hẳn trong tình thế ngày càng xấu đi của khí hậu và môi trường toàn cầu, sẽ luôn thường trực trong tâm trí ta: Sẽ ra sao nếu sau này chẳng còn gì để mất? Sâu xa hơn việc con người mất dần cảm xúc với thiên nhiên là một viễn cảnh tương lai khi thế giới chẳng còn thiên nhiên để mất. Thực ra, chúng ta ngày càng cảm nhận rõ điều này, quá trình chết dần này của tự nhiên ngay trước mắt mình. Các dự án quy hoạch hay các khu đô thị mới ngày càng đặt nặng ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường bằng vô kể thủ đoạn: san hồ lấp biển, chặt cây phá rừng, đào núi đào sông,... Những rặng tre nơi Trung Nghĩa đã từng sinh ra và lớn lên không là ngoại lệ. Không lâu sau nữa chúng cũng sẽ biến mất, để lại những dấu vết phai nhòa hòa vào dòng chảy của đô thị hóa, hiện đại hóa. Thế nên anh biến chúng thành tác phẩm, trước hết để mai sau có thứ để nhớ về, về tre lẫn cái nghề đang dần mai một gắn liền với chất liệu này. Anh muốn níu giữ chúng thật lâu khi còn có thể. Tự nhiên vẫn luôn trải qua vòng luân hồi sinh ra-chết đi-tái sinh của riêng mình, nhưng bằng việc lưu giữ vòng đời của những rặng tre vào trong các tác phẩm, Trung Nghĩa đặt dấu vết chúng vào những vòng luân hồi anh tạo ra, để hồn tre với tất cả niềm hy vọng, sẽ sống mãi trong tác phẩm cũng như tâm trí của anh, và người thưởng lãm.
“Sâu xa hơn việc con người mất dần cảm xúc với thiên nhiên là một viễn cảnh tương lai khi thế giới chẳng còn thiên nhiên để mất.”